Khu biệt tệp khách hàng
Sự gia nhập của những người đầu tiên thuộc Gen Z (những bạn trẻ sinh từ năm 1996 đến 2010) vào thị trường lao động khoảng 2 năm nay đã khiến thị trường văn phòng phải điều chỉnh theo thời cuộc. Với sự đa sắc màu trong tính cách, phương thức làm việc, tính cá nhân hóa và quyền lựa chọn cao, Gen Z đang phần nào chi phối hướng đi của các đơn vị phát triển văn phòng cho thuê.
Đại diện Công ty Cổ phần đầu tư và cho thuê tài sản TNL (TNL) cho hay các các tòa nhà văn phòng thuộc TNL hướng đến đáp ứng nhu cầu của lao động hiện đại, cụ thể là thế hệ Gen Z, đem đến không gian làm việc “chill” (cảm giác thoải mái) giống như quán cà phê, thay vì văn phòng đơn thuần. Nhắm đến khách hàng là các doanh nghiệp ngành logistics, thương mại điện tử, công nghệ tài chính (fintech)…, Điển hình TNR Tower tại Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) và TNR Tower tại Nguyễn Công Trứ (tp. Hồ Chí Minh) đặt trọng tâm thiết kế không gian đa năng lớn, có tính tương tác cao, bên cạnh những không gian “relax” như quầy cà phê, phòng ngủ trưa, khu vực sáng tạo relax, sảnh chờ v.v.
TNL cũng đang tập trung nghiêm túc tìm hiểu về lao động Gen Z và các chủ đề thú vị về họ như công việc mong muốn, phong cách làm việc, môi trường làm việc lý tưởng.
Nhu cầu tập trung ở đô thị lớn
Khi đến văn phòng, người lao động có nhu cầu được kết nối và tương tác với mọi người, nhưng cũng muốn có một không gian yên tĩnh để tập trung làm việc. Vì vậy, một mô hình văn phòng linh hoạt, bố trí hài hòa các không gian phòng họp, khu vực làm việc và khu sinh hoạt chung là điều mà doanh nghiệp và các nhà phát triển bất động sản văn phòng cần lưu tâm.
Đánh giá về sự thay đổi trong nhu cầu văn phòng tại thị trường Việt Nam, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Bộ phận Cho thuê thương mại, Savills Hà Nội cho biết, từ tháng 3 năm ngoái, phần lớn các doanh nghiệp tại Việt Nam bắt buộc chuyển sang chế độ làm việc tại nhà, do đó, xu hướng văn phòng đã có những thay đổi khá rõ rệt.
“Nhu cầu về thiết kế văn phòng đã bắt đầu thay đổi theo hướng linh hoạt, doanh nghiệp chú trọng hơn tới việc tích hợp các tiện ích như phòng họp với công năng đa dạng, các phòng đào tạo, khu vực nghỉ trưa và khu vực thư giãn, nhằm tăng tương tác nội bộ và đảm bảo sức khoẻ tinh thần, cũng như thể chất của nhân viên”, bà Minh cho biết.
Năm 2021 đánh dấu rõ nét nhất sự chuyển đổi trên. Trước đó, ở Hà Nội, thiết kế văn phòng linh hoạt tập trung vào sự tương tác, gắn kết và nhu cầu của nhân viên đã bắt đầu từ 3 - 5 năm trước. Các công ty đa quốc gia dành phần diện tích thuê lớn để xây dựng khu giải trí, nghỉ trưa, căng-tin...
“Hiện nay, các đối tượng lao động thuộc nhóm Gen Z đang chiếm hơn 35% nhân sự làm việc tại các doanh nghiệp. Họ có nhu cầu lớn nhất là được giao lưu học hỏi. Điều này thúc đẩy các doanh nghiệp khai thác nhiều hơn các khu vực chung, tăng sự tương tác giữa các nhân viên, tăng hiệu quả công việc và sự gắn kết của họ với công ty”, bà Minh cho biết.
Nhu cầu mỗi ngày của Gen Z có thể thay đổi từ việc muốn có không gian riêng tư hoặc không gian chung với đồng nghiệp. Điều này hoàn toàn có thể được đáp ứng thông qua các giải pháp nội thất linh hoạt. Do đó, nhu cầu thiết kế xây dựng văn phòng và không gian làm việc cho Gen Z đang ngày càng được chú trọng, tập trung nhiều ở các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng.
Đặc biệt, với Gen Z, điều quan trọng nhất là được lựa chọn không gian làm việc tại nhà/công ty/quán cà phê…, không bị gò bó theo khuôn khổ thời gian và cách thức làm việc. Theo mô hình “Work from Anywhere” (làm việc ở bất kỳ đâu), Gen Z có thể lựa chọn một vài ngày làm việc ở nhà, những ngày khác làm việc ở quán cà phê, hay có những thời gian cần lên văn phòng.
Để đáp ứng được những nhu cầu rất mới đó của Gen Z, văn phòng nên là nơi linh hoạt đến mức nhân viên có thể thoải mái làm việc ở mọi văn phòng, khu vực tại địa điểm thuê. Tính linh hoạt này sẽ giúp Gen Z không bị mắc kẹt ở văn phòng và luôn được trải nghiệm những điều mới mẻ.