heo dữ liệu của Knight Frank Việt Nam, thị trường BĐS thương mại TP.HCM đã phục hồi mạnh mẽ kể từ sau những đợt giãn cách và gián đoạn kinh tế năm 2021. Tình hình hoạt động quý I/2022 cho thấy tỷ lệ lấp đầy đã trở về mức trước đại dịch, giá thuê tăng ổn định cho nhà đầu tư. Theo đó, giá thuê văn phòng hạng A trong quý 1/2022 tăng 0,2% so với năm ngoái và 0,56% so với quý trước.
Ông Alex Crane - CEO Knight Frank Việt Nam cho biết, bất chấp mức tăng khiêm tốn này, những chủ đầu tư có thể bàn giao mặt bằng văn phòng cho thuê cao cấp trong vòng 18 - 24 tháng tới chắc chắn sẽ gặt hái thành quả to lớn. Tỷ lệ lấp đầy các tòa nhà văn phòng tại TP.HCM đang được duy trì ở mức trên 90%, kỳ vọng giá thuê sẽ tăng khoảng 15 - 20% vào cuối năm 2023.
Cụ thể, loại hình văn phòng hạng A trên toàn thành phố hiện có giá thuê trung bình 55,31 USD/m2, cao nhất là tại các quận trung tâm với giá 62,54 USD/m 2. Ở phân khúc hạng B, giá trung bình toàn thành phố là 34,03/m2, khu trung tâm là 43,37 USD/m2. TP. Thủ Đức đang chuyển mình mạnh mẽ và sẽ tạo ra một cuộc cách mạng về giá thuê trong tương lai khi khu vực Thủ Thiêm được phát triển hoàn thiện. Hiện nay, giá thuê văn phòng hạng B tại Thủ Thiêm ở mức 30,08 USD/m2.
Theo Knight Frank, giá thuê dự kiến sẽ còn tăng do sự khan hiếm nguồn cung trên thị trường, với tỉ lệ còn trống của văn phòng hạng A và B chỉ 10% trên toàn thành phố. Sự thiếu hụt nguồn cung được dự báo còn tiếp tục đến năm 2023 và hai năm tới, văn phòng cho thuê hạng B cũng vẫn thiếu hụt. Phải đến năm 2025 trở đi, thành phố mới có thêm nhiều nguồn cung quy mô chào thuê.
Còn theo chuyên gia của Savills, tốc độ tăng trưởng nguồn cung văn phòng 2021 đã chậm hơn so với những năm trước. Trong thời gian tới, nguồn cung mới sẽ được cải thiện với loạt dự án ở các quận ngoài trung tâm như Phú Nhuận, quận 3, Bình Thạnh và quận 7 với nhiều dự án với quy mô vừa và giá thuê hợp lý.
Bà Võ Thị Khánh Trang - Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Savills TP.HCM cho biết từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường văn phòng không ghi nhận nguồn cung mới nhưng tỷ lệ lấp đầy vẫn ở mức cao trên 90% toàn thị trường.
“Trong đầu năm nay, chúng tôi đã nhìn thấy các tòa nhà trong tương lai đã tái khởi động và nền kinh tế ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Nguồn FDI vào TP.HCM tiếp tục tăng cho thấy các doanh nghiệp nước ngoài vẫn xem Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Chính vì vậy, phân khúc văn phòng hạng A và hạng B vẫn duy trì công suất hoạt động cũng như giá thuê như trước dịch”, Bà Trang nói.
Đánh giá về tốc độ tăng trưởng của thị trường trong thời gian qua, bà Trang cho rằng nguồn cung tăng chậm nguyên nhân do đại dịch Covid-19 đã tác động đáng kể đến nhiều lĩnh vực khiến nhu cầu thuê văn phòng giảm. Khách thuê có xu hướng giảm diện tích văn phòng hoặc chuyển sang các tòa nhà có giá thuê phù hợp hơn. Các khách thuê mới cũng trì hoãn kế hoạch mở công ty hay phát triển dự án. Với chính sách mở cửa và năng lực kiểm soát đại dịch của Việt Nam, các doanh nghiệp đều đang nhìn thấy những tiềm năng hấp dẫn của thị trường và đã nhanh chóng có những động thái tích cực trong đầu năm nay.
Chia sẻ về nguồn cung tương lai, theo bà Trang nguồn cung mới có xu hướng mở rộng ra khu vực ngoài trung tâm, với mức giá phù hợp và cạnh tranh. Nhu cầu thuê văn phòng chủ yếu đến từ doanh nghiệp ngành Phân phối, Công nghệ thông tin, truyền thông, và ngành Sản xuất. Giai đoạn 2022-2023, các dự án mới tại Phú Nhuận, Bình Thạnh, quận 7 sẽ là điểm đến đầu tư thay thế cho quận 1 vốn đang rất khan hiếm quỹ đất. Mặc dù có nhiều dự án mới nhưng quy mô không quá lớn, chính vì vậy vị chuyên gia đánh giá nguồn cung mới vẫn sẽ được hấp thụ tốt và không kéo tỷ lệ lấp đầy của thị trường xuống.
Tiềm năng tăng trưởng của thị trường văn phòng cho thuê cũng được dự báo lạc quan. Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM ước tính nếu dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, nhu cầu lao động ở TP.HCM trong năm 2022 sẽ là 310.000 chỗ làm việc, tập trung chủ yếu từ ngành thương nghiệp, bất động sản và sản xuất điện tử. Những ngành này cùng với ngành công nghệ thông tin và truyền thông cũng chiếm đa số nguồn vốn FDI mới và vốn FDI bổ sung, nên nhiều khả năng sẽ trở thành những ngành trọng điểm tạo ra nhu cầu thuê văn phòng.