TP Hồ Chí Minh: Phát triển mạnh mẽ hệ thống thương mại hiện đại
Sign In

TP Hồ Chí Minh: Phát triển mạnh mẽ hệ thống thương mại hiện đại

Thành phố Hồ Chí Minh đã phát triển khá mạnh các trung tâm thương mại để tiếp tục giữ vững vị thế là trung tâm mua sắm, giao dịch và phân phối hàng hóa hàng đầu của cả nước; đồng thời phục vụ nhu cầu mua sắm hiện đại của người dân và du khách.

05:00 | 24/09/2022

TP Hồ Chí Minh: Phát triển mạnh mẽ hệ thống thương mại hiện đại

Thành phố Hồ Chí Minh đã phát triển khá mạnh các trung tâm thương mại để tiếp tục giữ vững vị thế là trung tâm mua sắm, giao dịch và phân phối hàng hóa hàng đầu của cả nước; đồng thời phục vụ nhu cầu mua sắm hiện đại của người dân và du khách.

05:00 | 24/09/2022

Nơi mua sắm cũng là nơi vui chơi

Hiện các mô hình thương mại hiện đại tại TP Hồ Chí Minh như Trung tâm thương mại SC VivoCity, GigaMall, AeonMall, Crescent Mall, Vincom... đã đáp ứng được những yêu cầu mua sắm, vui chơi, giải trí của người dân và du khách. Khi đến đây, khách có thể mua sắm những món hàng từ xa xỉ cho đến các mặt hàng thiết yếu hàng ngày; đồng thời cũng là điểm đến lý tưởng để gặp gỡ bạn bè, giao lưu, vui chơi giải trí... sau những ngày học tập, làm việc mệt mỏi.

Chị Nguyễn Thị Hải (ngụ ở thành phố Thủ Đức) cho biết, những ngày cuối tuần, gia đình chị thường chọn các siêu thị hay trung tâm thương mại để vừa đi mua sắm, vừa cho các con đến đây vui chơi. "Ở các trung tâm thương mại hiện nay có rất nhiều khu vực vui chơi, giải trí dành cho người lớn, trẻ con... Ngoài ra, ở các trung tâm thương mại, sau khi vui chơi mình còn có thể mua sắm, đi siêu thị, nhà sách và thậm chí ăn uống luôn tại đây mà không phải về nhà nấu nướng", chị Hải cho biết.

Trước nhu cầu mua sắm tăng cao, nhu cầu vui chơi, giải trí phát triển nên hệ thống trung tâm thương mại tại TP Hồ Chí Minh cũng ngày càng phát triển. Theo thống kê của Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, đến nay, toàn thành phố có 46 trung tâm thương mại, 237 siêu thị, hơn 3.000 siêu thị mini và cửa hàng bán lẻ hiện đại (cửa hàng tiện lợi)... So với thời điểm cuối năm 2015, mạng lưới phân phối hàng hóa của thành phố tăng thêm 6 trung tâm thương mại, 56 siêu thị, gần 2.200 cửa hàng tiện lợi. 

​​Cải thiện chất lượng, dịch vụ để hút khách

Hiện nay, thị trường bán lẻ Việt Nam đang định hình lại sân chơi mới, trong đó nổi bật xu hướng khai thác sự đặc thù của từng phân khúc thị trường, tinh giản hệ thống, tăng tính trải nghiệm đối với khách hàng... Vì vậy, các nhà bán lẻ đã tập trung cải thiện chất lượng dịch vụ để gia tăng lợi ích nhằm giữ chân khách hàng của mình lâu hơn trong bối cảnh ngành thương mại, dịch vụ có sự cạnh tranh cao. 

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, với quyết tâm không để các loại hình mua sắm trực tuyến ứng dụng công nghệ số có thể lấn át, các trung tâm mua sắm, thương mại đang phấn đấu trở thành các trung tâm giao dịch đa chiều, đa phương tiện, kết hợp giữa thương mại truyền thống và ứng dụng kỹ thuật số, đáp ứng mọi kỳ vọng của người tiêu dùng cũng như người bán hàng. Ngoài việc tiếp tục mở rộng, phát triển, nâng chất các thú vui đi ngắm cửa hàng, người tiêu dùng có thể dễ dàng thực hiện việc mua bán trên trang web của cửa hàng, nhận hay trả hàng tại nhà hoặc ở các điểm giao dịch. Trong khi đó, bên bán hàng cũng tiết kiệm được chi phí nhờ thương mại điện tử và giữ chân khách hàng của họ bằng các gói khuyến mại đầy hấp dẫn, tăng cường tính tiện ích của trang bán hàng trực tuyến bằng việc liên kết với các đối tác khác.


Đại diện Trung tâm thương mại Aeon Mall cho biết, hàng năm, đơn vị có xu hướng cập nhật, đánh giá nhu cầu của khách hàng để có thể xây dựng các trung tâm thương mại theo hướng khai thác tối đa tâm lý yêu thích hàng Nhật và các giá trị Nhật của người Việt. Sau đó là triển khai phân bổ, sắp xếp không gian giữa vui chơi, giải trí, ẩm thực… kết hợp với mua sắm một cách tinh tế và hợp lý.

“Tính hợp lý trong sắp đ​ặt chuỗi các dịch vụ phù hợp với nhịp sinh hoạt của dân cư là đặc trưng lớn nhất tại các trung tâm thương mại mang thương hiệu Aeon Mall. Đây cũng là điểm phân biệt rõ nhất với các trung tâm thương mại khác. Cụ thể, như các trung tâm mua sắm của Aeon Mall luôn có bãi đỗ xe rộng hơn so với các trung tâm thương mại khác, thậm chí tiêu chuẩn chăm sóc được mở rộng tới cả nhà vệ sinh cho gia đình, khu chức năng cho từng đối tượng (phòng hút thuốc, phòng thay tã cho trẻ em, nhà vệ sinh cho người khuyến tật), hệ thống bảng biển thân thiện và rõ ràng, khu vực chung được bố trí hợp lý, nhiều ghế nghỉ dành cho khách hàng", đại diện Trung tâm thương mại Aeon Mall cho biết.

Trong khi đó, là nhà bán lẻ lớn tại Việt Nam, Liên hiệp hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã triển khai hoạt động cải tiến chuỗi cung ứng, thiết lập công cụ hỗ trợ quản lý trong công tác logistics, đáp ứng cơ bản kịp thời cho tốc độ và yêu cầu phát triển của mô hình bán lẻ. Ngoài ra, Saigon Co.op triển khai nghiên cứu mô hình vận hành kho Co.opfood phù hợp với kế hoạch tăng trưởng của hệ thống đến năm 2022; xây dựng kế hoạch phát triển mạng lưới hệ thống trung tâm phân phối tương ứng với sự phát triển chuỗi hệ thống kinh doanh Saigon Co.op đến năm 2025.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, với mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng, đơn vị luôn thực hiện chiến lược hàng hóa và giá cả luôn được tập trung rà soát cho phù hợp với tình hình thị trường, nhu cầu của khách hàng; thí điểm áp dụng cải tiến các công tác khuyến mãi, trưng bày, trang thiết bị... Đặc biệt, Saigon Co.op đẩy mạnh phát triển thêm dịch vụ mới, kết hợp số hóa nhằm cung cấp thêm nhiều tiện ích, cá nhân hóa các dịch vụ, gia tăng trải nghiệm cho từng phân khúc khách hàng, gồm Co.op+, Co.opLink, Scan & Go, khu dịch vụ tiện ích, khu kidzone, khu ăn uống trong khu tự chọn… để giữ chân người dân và du khách nhiều hơn và lâu dài.​

​​​Trong khi đó, theo ông Nguyễn Nguyên Phương, sắp tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục mở rộng triển khai mô hình các trung tâm thương mại để nâng cao hiệu quả mạng lưới phân phối, qua đó hỗ trợ các hệ thống bán lẻ lớn mở rộng thị phần, đa dạng kênh phân phối và nâng cao năng lực cạnh tranh ​​với các nhà đầu tư nước ngoài. Dự kiến đến năm 2025, Thành phố sẽ phát triển thêm 67 siêu thị và 81 trung tâm thương mại.

TNL là thương hiệu kinh doanh mặt bằng cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại và mặt bằng bán lẻ của Tập đoàn TNG Holdings Vietnam. TNL mang tới cho khách hàng không gian làm việc, mua sắm – vui chơi giải trí – ẩm thực hiện đại, tiện nghi mang tầm quốc tế; đồng thời nâng cao giá trị sống cho người dân Việt Nam.

TNL hiện đang sở hữu, quản lý và vận hành hàng chục tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại cùng các mặt bằng bán lẻ, mặt bằng kho bãi nhà xưởng tại các khu công nghiệp có diện tích lên đến hơn 1.200.000m2 mặt sàn, định vị từ trung đến cao cấp.

Với tiềm lực tài chính mạnh mẽ cùng bộ máy nhân sự chuyên nghiệp, dự kiến đến năm 2027, TNL sẽ cung cấp cho thị trường 3.000.000m2 mặt sàn cho thuê. Trên đà phát triển lớn mạnh ra thị trường quốc tế, bước đầu TNL đã triển khai thành công mảng quản lý tài sản tại Châu Úc và Anh quốc với kế hoạch tiếp tục mở rộng sang nhiều quốc gia trong khu vực và toàn thế giới.​

​​