Sau thời gian dài chịu tác động của dịch bệnh, thị trường văn phòng tại nhiều nơi trên thế giới đã cho thấy tín hiệu phục hồi.
Thị trường văn phòng tại Hà Nội cũng có một số xu hướng chính về diễn biến giá thuê, cơ cấu khách thuê và các thay đổi trong nhu cầu sử dụng văn phòng sau dịch COVID-19.
Tuy nhiên, thị trường Hà Nội vẫn cần nhiều thời gian để lấp đầy diện tích tại các tòa nhà văn phòng quy mô lớn. Vì vậy, giá thuê cho phân khúc văn phòng hạng A được dự đoán sẽ duy trì ổn định do số lượng dự án cao cấp vẫn hạn chế tới năm 2023.
Trước đây, khách thuê văn phòng thường ký hợp đồng chỉ khoảng 3 năm. Tuy nhiên, hiện tại họ lại mong muốn có thể ký hợp đồng dài hạn hơn, kéo dài khoảng 5-7 năm, thậm chí là 10 năm. Đồng thời, giá thuê văn phòng đối với những hợp đồng này cũng có những thay đổi lớn.
Ví dụ, thời điểm hiện tại, khách thuê thường mong muốn trong năm đầu tiên, giá thuê sẽ ở mức thấp hơn và đến năm thứ 3 hay thứ 4, chi phí thuê sẽ tăng trở lại. Lý do của hiện tượng này là để hỗ trợ cho các khách thuê trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát phức tạp như hiện nay.
[Áp lực gia tăng dòng tiền không làm giảm giá bất động sản, nhà ở]
Bên cạnh đó, thang giá thuê này còn nhằm mục đích đảm bảo cam kết thuê lâu dài giữa khách thuê và chủ đầu tư.
Trong kinh doanh bất động sản, văn phòng vẫn được đánh giá là loại hình kinh doanh có tính ổn định cao nhất do các khách thuê cũng thường thuê để làm văn phòng đại diện hoặc chi nhánh công ty với thời gian thuê tương đối dài.
Đánh giá về xu thế thị trường, chuyên gia của Savills đưa ra nhận xét nguồn cầu ổn định hoặc sẽ tăng tại các ngành đặc thù.
Tại thị trường Hà Nội, trong năm 2021, ngành công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), ngành sản xuất, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm được kỳ vọng sẽ tăng trưởng.
Đáng chú ý, giá thuê không phải là điều kiện tiên quyết mà khách thuê quan tâm tại thị trường này. Các doanh nghiệp thuê văn phòng hiện có yêu cầu nhiều hơn cho địa điểm đặt trụ sở, về chất lượng xây dựng tòa nhà, dịch vụ cung cấp, cũng như về diện tích mà toà nhà có thể đáp ứng cho nhu cầu mở rộng trong tương lai.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Bà Hoàng Nguyệt Minh phân tích với tốc độ tăng trưởng nóng của các doanh nghiệp ICT hay các sàn thương mại điện tử, diện tích thuê văn phòng có thể hiện tại đang ở mức 1.000m2 nhưng trong vòng 3 năm tới có thể tăng gấp đôi nhân sự. Do đó, diện tích thuê văn phòng có thể tăng gấp hai hay thậm chí ba lần.
Đối với trường hợp khách thuê có nhu cầu mở rộng và ngành nghề kinh doanh có mức độ tăng trưởng rất tốt, các chủ đầu tư cần có những gói hỗ trợ để họ tiếp tục mở rộng trong tương lai, tránh trường hợp khách thuê không có diện tích để mở rộng khiến họ phải đi tìm mặt bằng thuê khác, chuyên gia này khuyến cáo.
Bên cạnh đó, không gian văn phòng cũng được đánh giá là có những thay đổi nhất định. Trước đây, đa phần các tòa nhà văn phòng hạng B và C tại Hà Nội đều có mật độ nhân viên làm việc tại văn phòng khá dày, trung bình khoảng từ 4-6m2/nhân viên. Trong khi đó, tại các tòa nhà hạng A, tỷ lệ này vào khoảng 10m2/nhân viên.
Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng phát, thành phố liên tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội thì nhân viên làm việc tại nhà nhiều hơn. Việc điều chỉnh lại mật độ sao cho phù hợp với nhu cầu sử dụng thực tế của các đơn vị cũng là cần thiết.
Đơn cử, một công ty có 100 nhân sự sẽ chỉ cần bố trí chỗ làm việc cho từ 60-70 người và mọi người có thể linh động làm việc tại nhà hoặc đến văn phòng.
Với phần diện tích còn lại, công ty có thể tích hợp nhiều tiện ích và công năng khác như khu vực ăn uống, nghỉ ngơi cho nhân viên hay thậm chí bổ sung số lượng phòng họp. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến các công ty thay đổi nhiều hơn về mô hình làm việc./.