Mô hình làm việc kết hợp chưa thể cứu thị trường văn phòng
Sign In

Mô hình làm việc kết hợp chưa thể cứu thị trường văn phòng

Động thái chuyển sang mô hình kết hợp giữa làm việc tại văn phòng và làm việc từ xa vẫn chưa đủ lực để cứu vãn tình hình kinh doanh văn phòng cho thuê.

10:00 | 06/10/2021

Mô hình làm việc kết hợp chưa thể cứu thị trường văn phòng

Động thái chuyển sang mô hình kết hợp giữa làm việc tại văn phòng và làm việc từ xa vẫn chưa đủ lực để cứu vãn tình hình kinh doanh văn phòng cho thuê.

10:00 | 06/10/2021

​Bức tranh ảm đạm

Bức tranh chung về đầu tư văn phòng kết hợp co-working trở nên ảm đạm trong 9 tháng đầu năm.​

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CEKS cho biết, sau khi tăng trưởng tốt trong quý I/2021, từ quý II, kinh doanh văn phòng cho thuê của Công ty có dấu hiệu đi xuống, cả ở Hà Nội và TP.HCM. Đặc biệt, khi TP.HCM phong tỏa chống dịch, Công ty đã tạm dừng một số địa điểm văn phòng cho thuê mới, chưa đưa vào kinh doanh.​

Tại quận 8 (TP.HCM) - nơi Công ty CEKS đã “đặt chỗ” hơn 1.500 m2 diện tích sàn cho thuê với chủ đầu tư, “lúc dịch bùng lên và tình hình cho thuê khó khăn, nhất là mặt bằng thương mại ở tầng 1, chúng tôi đã lập tức trả lại chủ đầu tư hơn 500 m2, còn khoảng 1.000 m2 trên cao thì chủ đầu tư hỗ trợ 10% giá thuê”, ông Nguyễn Thanh Tuấn chia sẻ.
9.jfif

Theo ghi nhận của các tổ chức tư vấn bất động sản quốc tế, hoạt động cho thuê văn phòng tại thị trường Việt Nam 9 tháng qua đã dần cải thiện và nhu cầu thuê trên đà phục hồi so với tỷ lệ hấp thụ ở ngưỡng âm của năm ngoái.

Thị trường xuất hiện xu hướng chuyển sang mô hình kết hợp giữa làm việc tại văn phòng và làm việc từ xa, nhưng lượng khách thuê và doanh thu từ mô hình này, theo Tổng giám đốc Công ty CEKS, là “không ăn thua”.

Với các doanh nghiệp đăng ký thuê văn phòng ảo, đại diện Công ty CEKS cho biết, nhóm khách thuê này đã triển khai mô hình làm việc từ xa nhiều năm trước và hoạt động này sôi động hơn khi Covid-19 xuất hiện. “Doanh thu từ cho thuê văn phòng ảo và cho thuê kiểu ‘mua suất chỗ ngồi’ có tăng, nhưng không nhiều, không bằng thời kỳ trước Covid-19”, ông Nguyễn Thanh Tuấn nói.

Còn với văn phòng truyền thống, khi hết hợp đồng cũ, nhiều khách thuê lăn tăn với việc ký tiếp. Khoảng 30% khách thuê văn phòng truyền thống đã chuyển sang thuê văn phòng ảo và văn phòng đại diện để nghe ngóng tình hình thị trường.

Thế nhưng, về dài hạn, mô hình kết hợp giữa làm việc tại văn phòng và làm việc từ xa lại khả quan, nhất trong bối cảnh thế giới xác định sống chung với Covid-19.

Ông Troy Griffiths, Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam đánh giá, đại dịch đang làm thay đổi nhu cầu thuê văn phòng ở Việt Nam. Với đợt giãn cách xã hội kéo dài gần đây và sự tăng trưởng vững chắc của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mô hình văn phòng truyền thống có thể sẽ gặp thách thức, từ đó thúc đẩy phát triển mô hình làm việc kết hợp trong tương lai. Lý do là, chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các công ty khởi nghiệp thường không “khoái” mô hình văn phòng truyền thống, mà hướng đến không gian làm việc chung (co-working space).

Không kỳ vọng nhiều vào những tháng cuối năm
Thị trường văn phòng cho thuê được dự báo còn đối mặt nhiều thách thức trong những tháng cuối năm khi Việt Nam vẫn tiếp tục áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát dịch bệnh.

Bà Ada Choi, Trưởng bộ phận nghiên cứu hoạt động cho thuê tại CBRE châu Á - Thái Bình Dương cho biết, khách thuê văn phòng có xu hướng tận dụng điều kiện hiện tại để đàm phán lại hợp đồng thuê, hoặc cân nhắc chuyển văn phòng tới những nơi có chất lượng tốt hơn, với những điều khoản cho thuê linh hoạt hơn, có những quy định rõ ràng cho mô hình làm việc kết hợp.

Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cho thuê thương mại tại Savills Hà Nội cũng cho rằng, những tháng cuối năm, thị trường sẽ chứng kiến sự chậm lại của phân khúc văn phòng. Chuyên gia này dự đoán, giá thuê văn phòng sẽ không bị tác động do dịch bệnh. Bằng chứng là giá thuê văn phòng gộp tại Hà Nội trong nửa đầu năm 2021 đạt 21 USD/m2/tháng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. “Còn về dài hạn, giá thuê hiện tại ở thị trường Hà Nội đang phản ánh đúng giá trị của thị trường và khả năng chi trả của khách thuê văn phòng. Do vậy, sẽ không có xu hướng giảm giá thuê đồng bộ trên thị trường để giữ chân khách hàng”, bà Hoàng Nguyệt Minh nói.

Còn tại Đà Nẵng, theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh và đặc tính kém phát triển của thị trường văn phòng, nên triển vọng ở đây kém khả quan.

Việc đầu tư và phát triển văn phòng cho thuê mới ở cả 3 thành phố lớn, theo đại diện CEKS, có thể sẽ được triển khai trong quý II/2022 nếu như dịch bệnh được kiểm soát tốt. Hiện tại, kế hoạch đầu tư mới chỉ dừng ở khâu đặt vấn đề với các chủ đầu tư.

Hiện tại, không ít những chủ đầu tư uy tín trên thị trường đã nhanh chóng triển khai kích hoạt những gói hỗ trợ, chung tay cùng những khách thuê gặp khó khăn trong những đợt sóng liên tiếp của dịch Covid. Văn phòng TNR Tower tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã hỗ trợ giảm giá tới 30-50% những đối tác khách thuê chịu ảnh hưởng kinh doanh. Thậm chí, TNR Tower 54A Nguyễn Chí Thanh miễn phí lên tới 01 năm tiền thuê với những khách hàng mới trong năm 2021. Đối mặt với những nguy cơ dịch bệnh còn kéo dài, việc chung tay giúp đỡ những đối tác vượt qua dịch bệnh cũng là đối sách giữ chân khách hàng chiến lược về lâu dài.