Lợi suất của thị trường TP HCM từ vị trí thứ 2 tụt xuống vị trí thứ 4, theo xếp hạng vừa được một tổ chức uy tín công bố.
Văn phòng cho thuê Sài Gòn hút đại gia công nghệ
Theo báo cáo lợi suất văn phòng toàn cầu phát hành, Hà Nội là thành phố dẫn đầu trên toàn thế giới về lợi suất văn phòng. Tiếp đến là Manila (Philippines), Adelaide (Australia), TP HCM và Perth lần lượt lọt vào top 5 toàn cầu.
Cụ thể, đây là lần thứ ba kể từ tháng 1/2017, Hà Nội xếp hạng đầu tiên trên thế giới về lợi suất văn phòng hạng A với mức 8,57%. TP HCM, đã từng xếp hạng thứ hai trong báo cáo kỳ trước đó, nhưng hiện tụt xuống vị trí thứ 4 với lợi suất thị trường ở mức 7,36%.
Mức lợi suất cao cho thấy mức tương quan khá hấp dẫn của thu nhập từ việc cho thuê mặt bằng so với giá trị vốn hóa của tòa nhà văn phòng. Bởi vậy, việc Hà Nội và TP HCM đang có mức lợi suất cao hàng đầu thế giới cho thấy triển vọng rất khả quan về giá thuê và công suất thuê tại 2 thị trường này.
TP HCM đang có tình hình hoạt động tốt nhất trong 5 năm với giá thuê trung bình tăng 8% theo năm và công suất thuê đạt 97%. Trong khi đó, Hà Nội ghi nhận giá thuê tăng 3% theo năm trong quý IV/2018 và công suất thuê ổn định ở mức 95%. Tại đây, phân khúc văn phòng hạng A ở khu vực ngoài trung tâm có tình hình hoạt động cải thiện.
“Cũng dễ hiểu khi hai thị trường này đã và đang thu hút nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các khách hàng đến từ Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc”, đại diện đơn vị này cho biết nhu cầu mua cao nhưng số lượng giao dịch được thực hiện trong năm 2018 rất ít do hạn chế số lượng dự án để bán.
Theo đó, hiện nguồn cung văn phòng để bán hạn chế, dẫn đến việc nhà đầu tư cạnh tranh về giá mua dự án.
“Có thể nói thị trường văn phòng ở Việt Nam đang thuộc về người bán, nói cách khác nếu bạn đang sở hữu một dự án bất động sản văn phòng, đây là thời điểm thuận lợi để bán”.
Trong 5 năm qua, bất động sản là kênh đầu tư được ưa chuộng với tổng số vốn đầu tư tăng trên nhiều phân khúc. Theo Nhóm Nghiên cứu Toàn cầu của đơn vị này, văn phòng là phân khúc thu hút lượng vốn đầu tư lớn nhất – khoảng 340 tỷ USD trên toàn thế giới từ nửa cuối năm 2017 đến nửa cuối năm 2018.