Báo chí góp phần minh bạch thị trường bất động sản
Sign In

Báo chí góp phần minh bạch thị trường bất động sản

Không chỉ khó khăn do dịch bệnh, thị trường bất động sản (BĐS) cũng đang chịu nhiều sức ép từ vấn đề pháp lý. Vì vậy rất cần sự vào cuộc của cơ quan báo chí thông tin, phản biện, nêu rõ những khó khăn mà DN đang gặp phải và kiến nghị đến với cơ quan quản lý Nhà nước nhằm tháo gỡ, tìm hướng đi cho DN khôi phục sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.

03:00 | 19/12/2021

Báo chí góp phần minh bạch thị trường bất động sản

Không chỉ khó khăn do dịch bệnh, thị trường bất động sản (BĐS) cũng đang chịu nhiều sức ép từ vấn đề pháp lý. Vì vậy rất cần sự vào cuộc của cơ quan báo chí thông tin, phản biện, nêu rõ những khó khăn mà DN đang gặp phải và kiến nghị đến với cơ quan quản lý Nhà nước nhằm tháo gỡ, tìm hướng đi cho DN khôi phục sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.

03:00 | 19/12/2021

Đây cũng chính là nội dung được các chuyên gia, nhà báo, DN đi sâu bàn luận tại diễn đàn trực tuyến "Kịch bản thị trường bất động sản Việt Nam 2022: Truyền thông và dự báo - Báo chí tăng cường tính minh bạch của thị trường BĐS Việt Nam" do Tạp chí Người Làm Báo (Hội Nhà báo Việt Nam) phối hợp với Báo Xây dựng, Hiệp hội BĐS Việt Nam, Hội môi giới BĐS Việt Nam và Truyền hình Cáp Hà Nội tổ chức ngày 19/12.

2d12829e-c38d-428c-b227-8fc0404ec661.jpg 

Pháp lý là “điểm nghẽn”
Trình bày tham luận tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp cho biết, hiện nay đang trong giai đoạn cao điểm của đô thị hóa, nên thị trường BĐS phát triển rất tốt, nhu cầu cao. Nhưng thực tế nhiều vấn đề cản trở vì chính sách không theo kịp với thực tế. Đơn cử như Luật Đất đai 2013 có sự ổn định trong một thời gian, nhưng đến nay bộc lộ rất nhiều bất cập. Cụ thể yêu cầu DN phải hoàn thành dự án trong vòng 12 - 24 tháng, nhưng với những dự án diện tích lớn trên 5ha không thể thực hiện trong thời gian như vậy.
Hay việc pháp luật quy định về luật đấu thầu, nhưng Nhà nước lại không tạo ra được quỹ mặt bằng sạch, nếu DN tham gia bồi thường giải phóng mặt bằng thì địa phương thực hiện chỉ định thầu, nảy sinh sự không minh bạch, xuất hiện cơ chế xin – cho... Đặc biệt, công tác quản lý quy hoạch chưa thực sự hiệu quả, hầu hết dự án sau khi được phê duyệt đều phải điều chỉnh, do nhà quản lý thiếu góc nhìn về kinh tế, nên khi giao DN triển khai không hiệu quả phải điều chỉnh hoặc ngay cả những khu đất sạch giữa thành phố cũng không thể triển khai.​
Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp cho rằng pháp lý gây ra ''điểm nghẽn'' đối với thị trường BĐS.
“Tôi cho rằng cần phải thay đổi về tư duy. Đặc biệt để thị trường BĐS phát triển một cách minh bạch, bền vững thì cần phải thay đổi về mặt cơ chế, chính sách. Cơ chế, chính sách được xem là kim chỉ nam, xương sống của thị trường, sự thay đổi đó giúp DN xây dựng chiến lược phát triển và chính quyền các địa phương sẽ có căn cứ để giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Thời gian qua thị trường thiếu dự án, thiếu nguồn cung sản phẩm chính là do cản trở về chính sách” – ông Nguyễn Thế Điệp cho hay.
Báo chí có vai trò quan trọng
Theo nhà báo Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo, đại dịch Covid-19 diễn ra từ cuối năm 2019 gây ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng cho nền kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng. DN hoạt động trong lĩnh vực BĐS mong muốn bày tỏ những khó khăn đang gặp phải và kiến nghị đến cơ quan quản lý Nhà nước, nhằm tháo gỡ khó khăn, tìm hướng đi, khôi phục sản xuất kinh doanh trong thời gian tới. Vì vậy rất cần đến vai trò của báo chí truyền thông, không chỉ là cầu nối giúp phổ biến cơ chế chính sách, pháp luật từ của Nhà nước, mà còn chuyển tải những phản ánh, kiến nghị, nguyện vọng nhà đầu tư, DN, người tiêu dùng đến cơ quan quản lý.​
Nhà báo Nguyễn Thành Lợi đề cập đến vai trò của báo chí đối với thị trường BĐS.
“Bên cạnh đó, cơ quan thông tấn, báo chí còn cung cấp những tin tức, bài viết với góc nhìn đa chiều, đánh giá, phân tích về những vấn đề trên thị trường BĐS tới nhà đầu tư, DN, người tiêu dùng và cơ quan quản lý, góp phần làm tăng cường tính minh bạch, hiệu quả, có tính dự báo đối với thị trường BĐS Việt Nam” - nhà báo Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh.
Đánh giá về vai trò của cơ quan báo chí, truyền thông đối với sự phát triển của thị trường BĐS tại diễn đàn, nhà báo Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cho biết, đến nay hầu hết cơ quan báo chí đều có chuyên mục về BĐS, mang đến nhiều thông tin cho bạn đọc về chính sách, luật pháp, nhu cầu thị trường, giá bán, thông tin quy hoạch... điều quan trọng nhất là người dân, bạn đọc rất kỳ vọng, tin tưởng vào những thông tin từ cơ quan báo chí.​


Xoay quanh vấn đề này, nhà báo Nguyễn Minh Đức cho biết, năm 2022 thị trường BĐS dự kiến có nhiều thay đổi, khi Luật Đất đai được sửa đổi, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư mới quy định về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, nhưng thực chất đây là quá trình tái thiết lại đô thị, những vấn đề nói trên sẽ tác động rất lớn đến thị trường BĐS, nhưng sản phẩm căn hộ bình dân dành cho người thu nhập thấp sẽ tiếp tục thiếu. Vì vậy, cơ quan báo chí cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, kiến nghị với Chính phủ để đưa ra chính sách dành cho dòng sản phẩm này, một mặt giúp ổn định đời sống người dân, mặt khác sẽ giúp cho thị trường phát triển cân bằng, bền vững.
Theo nhà báo Nguyễn Minh Đức, hiện nay trên thị trường tồn tại những nhà đầu cơ gây ra sốt giá, ảnh hưởng đến tâm lý người dân. Thời gian qua một số địa phương đã có biện pháp siết chặt để ngăn chặn tình trạng đầu cơ, nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế.
“Vấn đề cốt lõi ở đây là việc phải minh bạch thị trường bằng những thông tin cụ thể, như: Thông tin quy hoạch, dự án, số lượng giao dịch, giá bán, thông tin giao dịch hàng ngày... cần được công khai. Vậy nên rất mong Bộ Xây dựng và các địa phương quyết liệt hơn trong việc tổng hợp, cung cấp thông tin cho người dân” – nhà báo Nguyễn Minh Đức kiến nghị.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia và DN đều cho rằng, trong năm 2022 ngoài những phân khúc đang có đà tăng trưởng, BĐS du lịch – nghỉ dưỡng cũng sẽ có những bước chuyển mình mới do cơ chế, chính sách được thay đổi. DN dần thích nghi và xây dựng mô hình kinh doanh mới “Du lịch BĐS sinh lời”, du lịch không chỉ đơn thuần là du lịch nghỉ dưỡng còn giúp trải nghiệm thực tế, tăng cường kiến thức gắn liền với những sản phẩm BĐS.​