Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, từ trước Tết Nguyên đán đến nay, những tuyến đường có mặt bằng cho thuê, những trung tâm thương mại ở TP HCM đã nhộn nhịp trở lại. Nhiều mặt bằng bỏ trống đang dần được lấp đầy với hàng loạt quán xá, cửa hàng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để phân khúc này bình thường như trước vẫn phải chờ thêm, khi du khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn.
Nhộn nhịp thuê và cho thuê
Ông Phan Thanh Bình (nhà ở TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết ông vừa ký hợp đồng thuê nguyên căn shophouse 1 trệt 5 lầu trong khu Vinhomes Grand Park với giá thấp hơn trước đây khá nhiều, để mở quán cà phê, quán ăn và phòng cho thuê. "Tôi tin nền kinh tế sẽ hồi phục mạnh, hoạt động kinh doanh đang trở lại bình thường nên mạnh dạn thương lượng với chủ nhà để triển khai sớm" - ông Bình nói.
Tham khảo thông tin từ một số người chuyên môi giới mặt bằng cho thuê ở các khu trung tâm quận 1, quận 3 (TP HCM), họ cho biết đơn đặt hàng tìm mặt bằng làm quán ăn, nhà hàng, quán cà phê thời gian gần đây đang tăng trở lại. Giá thuê vẫn ở mức thấp nhưng bắt đầu nhích lên. Các mặt bằng có giá thuê tầm 30-80 triệu đồng/tháng khá đắt khách.
Tại các tuyến đường nhộn nhịp hàng quán trước đây ở TP HCM như Hàn Thuyên, Hai Bà Trưng, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Thị Minh Khai... (quận 1), Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), Sư Vạn Hạnh (quận 10)..., sau một thời gian yên ắng vì mặt bằng trống hàng loạt thì nay có rất nhiều quán xá mới mọc lên.
Mặt bằng cho thuê tại nhiều tuyến đường ở TP HCM đã “có khách” trở lại Ảnh: TẤN THẠNH
Không chỉ mặt bằng nhà phố, shophouse mà mặt bằng ở các khu trung tâm thương mại cũng khá nhộn nhịp từ cuối năm 2021 đến nay, khi các chủ đầu tư tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá để thu hút các nhà kinh doanh quay trở lại nhằm đón đầu nhu cầu mua sắm dịp Tết dương lịch và âm lịch vừa qua.
Báo cáo của CBRE Việt Nam cho thấy thị trường bán lẻ tại TP HCM vào thời điểm cuối năm vừa qua, các tập đoàn lớn trong và ngoài nước liên tục mở rộng mạng lưới kinh doanh. Những thương hiệu bán lẻ trong và ngoài nước như MUJI, Decathlon, Central Group, Aeon Group và Con Cưng, Thế Giới Di Động, Masan Group, Nova Group... gần đây liên tục mở cửa hàng mới. Tháng 1 vừa qua, Công ty CP Con Cưng mở cửa hàng theo mô hình "super center" đầu tiên tại quận 1 với diện tích 2.000 m2. Con Cưng còn đặt mục tiêu mở rộng mô hình này ở các quận, huyện khác nhau, cứ 2-3 quận có một cửa hàng. Ngay sau Tết Nguyên đán, Con Cưng mở 2 cửa hàng gần Bệnh viện Hùng Vương (quận 5) và trên đường Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận).
Tương tự, Thế Giới Di Động cùng lúc mở 5 chuỗi cửa hàng thuộc nhóm AVA bao gồm: AVAFashion - chuỗi cửa hàng thời trang gia đình, AVASport - chuỗi cửa hàng chuyên đồ thể thao, AVAKids - chuỗi cửa hàng cho mẹ và bé, AVAJi - hệ thống bán lẻ trang sức, AVACycle - chuỗi cửa hàng xe đạp dưới hình thức "shop in shop" tại hệ thống Điện máy Xanh. Các cửa hàng này đều nằm tại những vị trí đắc địa ở các tuyến đường sầm uất của TP HCM.
Trong khi đó, các thương hiệu bán lẻ nhỏ hơn buộc phải thay đổi để thích nghi với "bình thường mới" như ngành ăn uống, cà phê chấp nhận thuê những cửa hàng diện tích nhỏ hơn hoặc chuyển qua mô hình kiosk để phục vụ mang đi khi không được ăn uống tại chỗ.
Sẽ phục hồi mạnh
Đánh giá về phân khúc bất động sản cho thuê trong thời gian tới, CBRE Việt Nam cho rằng thị trường bán lẻ TP HCM khởi sắc sẽ thúc đẩy giá thuê mặt bằng phục hồi vào nửa cuối năm 2022. Năm 2022, thị trường bất động sản cho thuê ở TP HCM dự tính có thêm 4 dự án mới khai trương, đóng góp thêm 137.000 m2 diện tích thực thuê cho thị trường. Đây hầu hết là những dự án có kế hoạch khai trương từ năm 2021 nhưng bị trì hoãn do dịch bệnh. "Giá thuê dự tính hồi phục 1,5%-3,5% trong khi tỉ lệ trống tại khu ngoài trung tâm tăng nhẹ do có nguồn cung mới và tỉ lệ trống tại khu trung tâm "đi ngang". Năm 2023, giá thuê dự tính sẽ tăng cao hơn cùng với các nguồn cung mới tại khu trung tâm" - báo cáo của CBRE Việt Nam nhận định.
Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn phát triển CBRE Việt Nam, nhận định: "Nền kinh tế Việt Nam dự đoán sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2022 và ngành bán lẻ, nhất là bán lẻ trực tuyến, sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong thời gian tới. Trong ngắn hạn, thị trường bán lẻ vẫn phụ thuộc vào hỗ trợ đến từ các chủ đầu tư cũng như kế hoạch tiêm liều bổ sung để sớm thích nghi với bình thường mới".
Một chuyên gia tài chính nhìn nhận những hoạt động kinh doanh nào bị ảnh hưởng nặng nề trong năm qua thì nhiều khả năng sẽ phục hồi mạnh trong năm nay, đặc biệt là bất động sản cho thuê, bất động sản du lịch, dịch vụ khi Chính phủ đẩy mạnh mở cửa các hoạt động kinh tế và du lịch quốc tế được nối lại...