Các chuyên gia cho rằng, trong thời đại 4.0, nếu doanh nghiệp không chủ động thực hiện bảo hộ thương hiệu ở trong nước, quốc tế và trên môi trường Internet thì sẽ đánh rơi nhiều cơ hội phát triển.
Chuyên nghiệp hóa bản quyền thương hiệu
Thương hiệu ngày nay đã trở thành tài sản vô hình quý giá có thể đong đếm được. Tài sản này có công thức định giá rõ ràng và đặc biệt quan trọng khi doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán hay thực hiện các thương vụ M&A.
Cách mạng công nghệ 4.0 bùng nổ và sự hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới giúp doanh nghiệp Việt ngày càng có ý thức hơn trong việc xây dựng thương hiệu và bảo vệ tài sản thương hiệu.
Theo Cục Sở hữu trí tuệ, số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu tăng dần đều qua các năm. Nếu 2015, Cục nhận được gần 37.000 đơn đăng ký nhãn hiệu thì đến năm 2020 số lượng đơn tăng gần 50% lên 55.600 đơn. Năm 2021, cục nhận được hơn 9.000 đơn sáng chế; 52.926 đơn nhãn hiệu quốc gia và 9.495 đơn nhãn hiệu quốc tế. Và đến 2023, Cục đã tiếp nhận 148.198 đơn các loại (tăng 8,4% so với năm 2022), bao gồm 84.070 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 7,6%) và 64.128 các loại đơn và yêu cầu khác.
Trong vòng 1 thập kỷ qua, hơn một nửa trong số 30 ngân hàng tại Việt Nam đã đổi tên, thay đổi nhận diện thương hiệu để khách hàng dễ gọi, dễ tiếp cận và nhận biết hơn và phù hợp với chiến lược kinh doanh mới.
Xuất phát từ nhu cầu chuyên nghiệp hóa bản quyền thương hiệu để mở ra những cơ hội kinh doanh mới, một tập đoàn đa ngành có lịch sử 28 năm là TNG Holdings Vietnam mới đây cũng vừa chuyển đổi tên gọi thành ROX Group.
Khoảnh khắc ra mắt thương hiệu ROX.
Lí do của việc chuyển đổi này theo đại diện của ROX Group là do tên TNG không đăng ký được bảo hộ thương hiệu ở những lĩnh vực chính mà tập đoàn và các công ty thành viên đang đầu tư cả trong nước và quốc tế. Việc thay đổi tên gọi phù hợp với chiến lược phát triển thương hiệu cũng như những định hướng mới trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp thời gian tới.
Cách đây gần 3 thập kỷ, vào thời điểm sáng lập tập đoàn, hai chữ "thương hiệu" là điều gì đó xa xỉ với các doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt. Chính vì thế, những nhà sáng lập ROX Group chỉ tập trung vào sản xuất, đầu tư, phát triển sản phẩm mà chưa chú trọng việc đăng ký bảo hộ thương hiệu.
Để hội nhập và tiếp tục phát triển mở rộng, TNG Holdings Vietnam phải tìm cách để định vị mình là một công ty khác biệt với những công ty trùng tên gọi và rồi sau đó khoác lên mình "tấm áo mới" ROX Group.
Theo các chuyên gia, việc các tập đoàn lớn như ROX Group đổi tên để đăng ký bảo hộ thương hiệu ở những lĩnh vực mà tập đoàn và các công ty thành viên đang đầu tư là cần thiết và xác đáng. Nhất là trong bối cảnh của cuộc cách mạng 4.0, thế giới ngày càng phẳng và các doanh nghiệp có xu hướng vươn ra quốc tế.
Một chuyên gia thương hiệu cho biết: Ở thời điểm hiện tại, chưa thể đánh giá về mức độ thành công trong chuyển đổi thương hiệu của ROX Group. Tuy nhiên, nếu dựa trên 9 tiêu chí đặt tên thương hiệu, cái tên ROX đáp ứng khá tốt. Chẳng hạn như ROX rất dễ giúp khách hàng nhận diện vì dễ phát âm, dễ ghi nhớ và viết lại, đặc biệt đồng nhất về cách phát âm giữa tiếng Anh và tiếng Việt. Hay như sự liên quan đến ngành nghề, ROX có cách phát âm gần với từ Rock có nghĩa đá tảng - vật liệu cơ bản của trái đất - dễ làm người ta liên tưởng tới lĩnh vực kinh doanh chính của ROX Group.
Câu chuyện của ROX Group sẽ giúp các nhà khởi nghiệp, nhà khoa học, doanh nhân trẻ lưu tâm hơn trong việc đăng ký bảo vệ tài sản trí tuệ, thương hiệu của mình ngay từ bước khởi đầu. Đồng thời, cách thức tập đoàn này lựa chọn tên gọi mới cũng là một gợi ý đáng để tham khảo về cách thức đặt tên thương hiệu.
Định danh trên môi trường Internet
Cùng với việc đăng ký bảo hộ bản quyền thương hiệu ở trong nước, ROX Group cũng chủ động định danh trên môi trường Internet với việc mua lại domain (tên miền) rox.vn. Doanh nghiệp này cũng xây dựng nội dung cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh cho website này để tiếp cận tới khách hàng trong nước và quốc tế, quảng bá thương hiệu.
Trong xu thế toàn cầu hóa, việc định danh trên mạng Internet vô cùng quan trọng trong việc dẫn dắt, thu hút người tiêu dùng trên môi trường số. Các đơn vị tư vấn xây thương hiệu luôn lưu ý, chủ doanh nghiệp cần phân biệt rõ việc là chủ sở hữu nhãn hiệu được pháp luật công nhận không đồng nghĩa với quyền sở hữu tên miền (địa chỉ định danh trên internet). Vì vậy, từ bước đầu đặt tên và đăng ký bảo hộ thương hiệu, chủ doanh nghiệp cũng nên mua sớm tên miền uy tín.
Việc định danh thương hiệu trên Internet từ sớm giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều chi phí. Nguồn ảnh: cloud.z.com.
Không nên đợi đến lúc thương hiệu mình đã lớn mạnh, đã được nhiều người biết đến mới quan tâm tới việc định danh trên mạng Internet. Bởi sai lầm này sẽ phải trả giá bằng tiền và rất nhiều tiền. Thực tế đã có nhiều cái tên được biết đến rộng rãi bị người khác đăng ký trước tên miền trên internet thay vì chính chủ sở hữu.
Bên cạnh đó, theo dấu chân các doanh nghiệp Việt đã vươn ra thế giới, việc bảo vệ tài sản thương hiệu đảm bảo sự hội nhập vô cùng quan trọng. Bởi quyền sở hữu trí tuệ được xác lập trên lãnh thổ quốc gia nào chỉ có giá trị trên lãnh thổ quốc gia đó mà thôi. Ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp Việt đã dễ dàng hơn trong đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài thông qua Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO.
Các chuyên gia cho rằng, trong thời đại 4.0 sự chủ động chuyên nghiệp hóa về bản quyền thương hiệu vừa giúp doanh nghiệp gia tăng tài sản vô hình của mình theo thời gian, vừa nắm chắc các cơ hội phát triển trên đa nền tảng và vươn ra thế giới.