Kỳ vọng thăng hoa với dự án bất động sản công nghiệp
Sign In

Kỳ vọng thăng hoa với dự án bất động sản công nghiệp

Năm 2021, gặp nhiều khó khăn do Covid-19, nhưng nhiều doanh nghiệp bất động sản công nghiệp vẫn có kết quả kinh doanh khả quan. Sang năm mới, phân khúc này được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.

02:00 | 14/02/2022

Kỳ vọng thăng hoa với dự án bất động sản công nghiệp

Năm 2021, gặp nhiều khó khăn do Covid-19, nhưng nhiều doanh nghiệp bất động sản công nghiệp vẫn có kết quả kinh doanh khả quan. Sang năm mới, phân khúc này được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.

02:00 | 14/02/2022

bất động sản công nghiệp được nhận định sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2022
Bất động sản công nghiệp được nhận định sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2022

Tăng trưởng bất chấp dịch bệnh

Thị trường bất động sản công nghiệp năm qua chịu thử thách với 2 đợt dịch Covid-19 bùng phát ở các trung tâm công nghiệp phía Bắc và phía Nam, song bức tranh lợi nhuận của một số doanh nghiệp vẫn tăng trưởng.

Một trong những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tăng trưởng đột biến là Tổng công ty Viglacera, khi quý IV/2021, doanh nghiệp này ghi nhận 3.692 tỷ đồng doanh thu thuần và 442 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; tăng lần lượt 59% và 325% so với cùng kỳ năm 2020.

Lũy kế cả năm 2021, Viglacera đạt 11.201 tỷ đồng doanh thu thuần, 1.280 tỷ đồng lãi sau thuế; tăng lần lượt 19% và gấp hơn 1,9 lần so với cùng kỳ. Trong cơ cấu doanh thu năm 2021, mảng dịch vụ cho thuê bất động sản, hạ tầng khu công nghiệp ghi nhận sự tăng trưởng tới 66%, lên 2.552 tỷ đồng và xếp ở vị trí á quân về sức đóng góp.

Nhiều đơn vị tư vấn đánh giá tích cực về cơ hội bùng nổ của các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp. Công ty chứng khoán SSI nhận định, nhu cầu thuê bất động sản công nghiệp tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022.

Tương tự, Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức - công ty con của Sonadezi, cũng ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý cuối năm vừa qua. Cụ thể, quý IV/2021 đạt doanh thu hơn 147 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế trong kỳ đạt hơn 68 tỷ đồng, gấp 2,8 lần so với quý IV/2020.

Nhờ sở hữu quỹ đất sẵn sàng cho thuê lớn, quý vừa qua, cơ cấu doanh thu của Sonadezi Châu Đức ghi nhận hơn 144 tỷ đồng đến từ cho thuê đất và phí quản lý. Các nguồn thu còn lại gồm cho thuê xưởng, phí quản lý xưởng, xử lý nước thải...

Lũy kế năm 2021, Công ty đạt doanh thu 713 tỷ đồng, tăng 65%, là mức cao nhất kể từ khi thành lập, lợi nhuận sau thuế hơn 323 tỷ đồng, tăng 74% so với năm trước. Đặc biệt, kể từ năm 2019 tới nay, khi làn sóng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ, Công ty đều tăng trưởng lợi nhuận cao. Giai đoạn 2019 - 2020, doanh nghiệp lãi lần lượt là 134 và 186 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Thống Nhất cũng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng, khi quý vừa qua doanh nghiệp thu về gần 95 tỷ đồng doanh thu và gần 29 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 238% và 180% so với cùng kỳ. 

Kỳ vọng năm 2022

Dẫn báo cáo xu hướng đầu tư “Investment Trends Monitor” của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) công bố đầu năm 2022, bà Lâm Diệu Tâm Hiếu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Kizuna tự tin: “Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, khi FDI toàn cầu trong năm qua đã tăng 77%, từ mức 929 tỷ USD năm 2020, lên 1.650 tỷ USD năm 2021, trong đó dòng vốn FDI đổ vào các nền kinh tế đang phát triển tăng 30%, lên gần 870 tỷ USD, riêng các nước Đông Á và Đông Nam Á tăng 20%”.

Tại Việt Nam, theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 1/2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt 2,1 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước.

“Đây là tín hiệu vui cho xu hướng thu hút FDI bền vững tại Việt Nam, với sự gia tăng FDI của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo. Đây cũng là cơ hội của các khu công nghiệp, khu nhà xưởng với mô hình tương tự các khu nhà xưởng dịch vụ của Kizuna, thu hút đầu tư doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành công nghiệp hỗ trợ”, bà Hiếu nói.

Ông Chí Vũ, Trưởng bộ phận môi giới dịch vụ Khu công nghiệp Collier Việt Nam nhận định, năm 2022, nhiều khả năng bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục tỏa sáng khi sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc cũng như một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, làm gia tăng nhu cầu về đất công nghiệp trên cả nước, thu hút không chỉ nhu cầu nội địa, mà còn là thỏi nam châm hút vốn các nhà sản xuất nước ngoài. Bên cạnh đó, với đà tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử, mảng dịch vụ logistics cũng hứa hẹn tiềm năng lớn trong 12 tháng tới.

Dữ liệu của Collier cho thấy, trong năm 2022, TP.HCM dự kiến có thêm 5 khu công nghiệp mới tham gia vào thị trường, cung cấp hơn 4.200 ha vào quỹ đất công nghiệp, trong đó, 4 khu công nghiệp tọa lạc tại huyện Bình Chánh. Sự tăng trưởng nguồn cung này nhằm đáp ứng nguồn cầu thuê đất, nhà xưởng công nghiệp rất lớn trên địa bàn thành phố trong bối cảnh quỹ đất công nghiệp tại đô thị này đang cạn dần.

Trong khi đó, Bình Dương cũng hứa hẹn sẽ là điểm nóng khi địa phương này lần lượt thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản công nghiệp với sự xuất hiện của nhiều ông lớn như Vingroup, FLC, Becamex, HUD. Các thủ phủ công nghiệp khác ở phía Nam như Bình Phước, Đồng Nai và Long An sẽ là tâm điểm của thị trường này nhờ giao thông và kinh tế đều phát triển mạnh.

Nhiều đơn vị tư vấn cũng đánh giá tích cực về cơ hội bùng nổ của các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp năm 2022. Công ty chứng khoán SSI đánh giá, triển vọng ngành bất động sản khu công nghiệp tươi sáng trong năm Nhâm Dần. Đơn vị này nhận định nhu cầu thuê bất động sản công nghiệp tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022.

Giá thuê đất khu công nghiệp ở Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực, thấp hơn 20 - 33% so với Indonesia và Thái Lan, những quốc gia có lợi thế về vốn FDI như Việt Nam. Với giá thuê khu công nghiệp đang ở mức cạnh tranh trong khu vực và sức hút dịch chuyển sản xuất ngày càng lớn, dư địa tăng giá thuê trong thời gian tới khá cao. SSI dự báo, năm 2022, lợi nhuận ròng của khu công nghiệp ước tính tăng 18 - 26% theo năm.​​