Theo số liệu của Công ty bất động sản Savills, nguồn cung văn phòng tại Hà Nội trong quí 1 vừa qua chứng kiến mức tăng trưởng nhẹ, dẫn đầu bởi các dự án thuộc phân khúc có giá thuê ở mức trung bình (hạng B). Các quận nội thành đang cung cấp vào thị trường lượng lớn sản phẩm, theo sau bởi khu vực phía Tây Hà Nội, đặc biệt là quận Cầu Giấy.
Tỷ lệ lấp đầy của thị trường văn phòng ở Hà Nội trong quí 1 năm nay tăng so với quí cuối cùng của năm 2021. Văn phòng hạng C có tỷ lệ lấp đầy cao nhất, đặc biệt tại phía Tây Hà Nội với các doanh nghiệp thuộc khối ngành công nghệ thông tin viễn thông và sản xuất.
Số liệu từ công ty bất động sản CBRE cho biết trong quí 1 vừa qua thị trường văn phòng Hà
Nội ghi nhận một dự án hạng A mới đi vào hoạt động tại khu vực trung tâm. Theo đó, tổng nguồn cung văn phòng tại thị trường Hà Nội vượt 1,6 triệu mét vuông, với các dự án hạng A chiếm 38% tổng nguồn cung.
Việc mọi hoạt động kinh doanh quay trở lại bình thường, bao gồm gỡ bỏ dần các hạn chế trong hoạt động kinh doanh, xã hội và mở lại các đường bay quốc tế… nên giá thuê văn phòng theo CBRE đã bắt đầu tăng trở lại sau một thời gian được giữ ổn định trong thời kỳ dịch bệnh. Cụ thể, trong quí 1-2022, giá chào thuê văn phòng hạng A đạt 27,6 đô la Mỹ/m2/tháng, tăng 1,2% so với quí trước và tăng 1,9% so với cùng kì năm trước.
Tương tự, giá thuê văn phòng Hạng B cũng tăng nhẹ 0,8% theo quý và 0,8% theo năm, lên 14,1 đô la Mỹ/m2/tháng.
Về nguồn cầu, theo thống kê giao dịch của CBRE ghi nhận, việc mở rộng văn phòng và nhu cầu thuê mới tăng trở lại khi những giao dịch này chiếm hơn 70% tổng lượng giao dịch tại Hà Nội trong quí 1 vừa qua. Số lượng các yêu cầu hỏi thuê và khảo sát địa điểm mà CBRE tiếp nhận và thực hiện trong quí 1 vừa qua cũng cao hơn 30% so với quí trước và cao hơn 100% so với cùng kỳ năm ngoái. Diện tích hỏi thuê phổ biến ở quy mô văn phòng vừa và lớn, trong khoảng từ 300 – 1.000 mét vuông.
Chính vì thị trường văn phòng hoạt động tốt nên đây cũng là phân khúc thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn trong quí 1 vừa qua. Theo Cushman & Wakefield Việt Nam, trong quí 1 tổng giá trị các giao dịch mua bán sáp nhập (M&A) của thị trường bất động sản cao hơn cả tổng giá trị từng năm 2019-2021. Trong đó phân khúc bất động sản văn phòng chiếm 58% tổng giá trị giao dịch, trong khi phân khúc công nghiệp và nhà ở lần lượt chiếm 28% và 13%.
Đáng chú ý, Hà Nội có tổng lượng giao dịch lớn nhất cả nước, nhờ vào thương vụ chuyển nhượng tòa nhà văn phòng hạng A Capital Place (Ba Đình, Hà Nội) từ CapitaLand Development sang Viva Land với tổng trị giá 550 triệu đô la Mỹ.
Bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam nhận định: “Tổng nguồn cung văn phòng tại TPHCM và Hà Nội chỉ xấp xỉ bằng Bangkok (Thái Lan), chủ yếu bao gồm các tòa nhà hạng B và C. Các tòa nhà văn phòng hạng A vốn được các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài săn đón lại rất khan hiếm. Chính vì vậy, ngay khi người lao động được quay trở lại văn phòng sau một thời gian dài áp dụng hạn chế di chuyển, đã thúc đẩy giao dịch M&A văn phòng vươn lên vị trí dẫn đầu”.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và đầu tư, trong ba tháng đầu năm 2022 vốn đăng ký đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào thị trường Việt Nam đạt 3,2 tỉ đô la Mỹ. Sau lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, bất động sản hiện là lĩnh vực nhận được nguồn vốn FDI lớn thứ hai liên tiếp trong 10 năm qua